Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam 2017 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018

Thay đổi đơn vị tính của một số mã hàng tại Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam 2017
August 9, 2017
Những điểm mới trong quy định phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu
September 21, 2017

Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam 2017 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam 2017 kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC. Danh mục này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. 

Danh mục này bao gồm 21 Phần, 97 Chương, 1.039 nhóm ở cấp độ 4 số, 1.859 phân nhóm ở cấp độ 6 số và được chi tiết thành 10.813 mã hàng ở cấp độ 8 số, tuân thủ hoàn toàn theo Danh mục HS 2017 của Tổ chức Hải quan Thế giới và Danh mục Hài hòa thuế quan của ASEAN phiên bản 2017.

Trong quá trình xây dựng, Bộ Tài chính đã tổ chức các đợt làm việc tập trung, các hội thảo chuyên đề với các bộ, ngành có liên quan, hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp để rà soát và thống nhất ý kiến về các nội dung chi tiết tại Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng gửi văn bản lấy ý kiến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đăng tải dự thảo văn bản trên các website của Chính phủ và Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng DN.

Danh mục được xây dựng theo nguyên tắc tuân thủ cam kết quốc tế, áp dụng các thuật ngữ chuyên ngành trong mô tả hàng hóa, đưa các trích dẫn nguồn tra cứu cuối Chương như Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam để giải thích rõ về mặt hàng, Chú giải bổ sung SEN giải thích mặt hàng ở cấp độ 8 số để phục vụ công tác phân loại hàng hóa.

So với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015, Danh mục mới tăng 1.255 mã hàng, trong đó 2.321 mã hàng có mô tả mới để chi tiết những thay đổi về công nghệ, kỹ thuật, đặc tính thương mại, tiêu chuẩn môi trường, đáp ứng nhu cầu quản lý và xu hướng thương mại quốc tế trong bối cảnh hội nhập.

Những thay đổi so với Danh mục 103/2015/TT-BTC tập trung vào một số nhóm ngành như: Thủy sản, hóa chất, gỗ, sản phẩm ốp/lát bằng gốm sứ, máy móc thiết bị, ô tô, là những ngành hàng có sự phát triển về công nghệ, kỹ thuật hoặc dịch chuyển thương mại, cần tăng cường quản lý về môi trường, hóa chất độc hại…

Một trong những nội dung thay đổi nổi bật là ngành ô tô. Nhóm 87.03 đã được cấu trúc lại theo loại động cơ khác nhau với 05 phân nhóm mới ở cấp độ 6 số, trong đó có 656 dòng mới chi tiết theo dòng xe, động cơ xe, dung tích xi lanh để phản ánh đúng bản chất hàng hóa, phù hợp với sự phát triển công nghệ và nhu cầu quản lý của các nước trong thương mại hàng hóa.

Ví dụ như nhóm 8703 đã tách thêm phân nhóm 8703.80 “loại chỉ sử dụng động cơ điện để tạo động lực”, trong đó đã chi tiết các dòng xe mới như: (i) Mặt hàng “Xe địa hình ATV (All-Terrain Vehicles)” được chi tiết tại các dòng hàng 8703.21.12, 8703.21.42, 8703.40.11…; (ii) Mặt hàng “ô tô kiểu Sedan” được chi tiết mới tại các dòng hàng 8703.21.45, 8703.40.1x, 8703.40.6x… Đây là mặt hàng mới tách ra từ nhóm ô tô con (car) do có kim ngạch thương mại cao trong khu vực và để đáp ứng nhu cầu quản lý của các nước ASEAN.

Để đảm bảo việc triển khai thực hiện Danh mục mới từ ngày 01/01/2018, Bộ Tài chính đang khẩn trương tiến hành chuyển đổi các Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi (MFN) và các Biểu thuế FTA theo Danh mục mới, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành để rà soát trên 200 Danh mục quản lý chuyên ngành nhằm áp dụng thống nhất và chuẩn hóa mã số theo Danh mục mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *