Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu – Quy định chi tiết thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ

Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực thi hành từ 01/9/2016
April 15, 2016
Thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu qua Cơ chế một cửa quốc gia
June 14, 2016

Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu – Quy định chi tiết thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ

Trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba cột trụ của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với sản phẩm bị điều tra và bị kết luận là phá giá vào nước nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành sản xuất nước đó. Thực tế, thuế chống bán phá giá là khoản thuế bổ sung (ngoài thuế nhập khẩu thông thường) đánh vào sản phẩm nước ngoài nhập khẩu là đối tượng của quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Trong khi biện pháp chống bán phá giá là để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp thì biện pháp chống trợ cấp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu. Thuế chống trợ cấp cũng là khoản thuế bổ sung, ngoài thuế nhập khẩu thông thường đánh vào sản phẩm nước ngoài được trợ cấp vào nước nhập khẩu.

Khác với hai biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, biện pháp tự vệ thường được nói đến như một công cụ bảo vệ ngành sản xuất nội địa trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Do vậy, thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Bài viết đề cập đến tiến trình thay đổi thuế chống phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ tại Việt Nam trong Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu từ năm 1991 đến nay, cụ thể như sau:

Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 1991 và sửa đổi bổ sung năm 1993, năm 1998

Tại Việt Nam, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 1991 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất, thuế nhập khẩu năm 1993 chưa đề cập đến nội dung Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Đến năm 1998, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất, thuế nhập khẩu cho phép áp dụng mức thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp hơn “giá trị thông thường do được bán phá giá, gây khó khăn cho các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong nước” hoặc “giá thông thường phát sinh do có sự trợ cấp của nước xuất khẩu, gây khó khăn cho các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong nước” hoặc “hàng hóa có xuất xứ từ các nước áp dụng những biện pháp phân biệt đối xử thông qua thuế nhập khẩu hoặc những biện pháp khác đối với hàng hóa Việt Nam”. Đây được coi là văn bản pháp lý đầu tiên đề cập đến khoản thuế bổ sung khi hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2005

Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2005 đưa ra khái niệm “Biện pháp về thuế để tự vệ là biện pháp được áp dụng đối với một loại hàng hóa nhất định được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước” và “Nhập khẩu hàng hoá quá mức là việc nhập khẩu hàng hoá với khối lượng, số lượng hoặc trị giá tăng một cách đột biến về số lượng tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng hoặc trị giá của hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước”. Đồng thời, điều 11 quy định chi tiết “Biện pháp về thuế để tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử trong nhập khẩu hàng hóa”. Như vậy, khái niệm về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đã được quy định rõ ràng và chi tiết hơn so với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất, thuế nhập khẩu năm 1998.

Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu sửa đổi năm 2016

Sau hơn 11 năm thực hiện, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2005 bộc lộ một số điểm hạn chế nhất là khi Việt Nam hoàn tất đàm phán gia nhập nhiều Hiệp định Thương mại tự do mới như Hiệp định TPP, Hiệp định Việt Nam – EU, Hiệp định Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu… và gia nhập cộng đồng chung ASEAN vào cuối năm 2015. Do vậy, năm 2016, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2016, trong đó bổ sung chi tiết về Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ. Đây là văn bản pháp lý quan trọng và cần thiết để hàng hóa Việt Nam không bị bất lợi trên thị trường quốc tế.

Cụ thể, tại Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi) năm 2016 quy định chi tiết khái niệmLuật Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước”, “Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nướcThuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Đồng thời, nội dung về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ được quy định chi tiết tại Điều 12, 13, 14, 15 Chương III Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi) năm 2016. Trong đó quy định chi tiết Điều kiện áp dụng, nguyên tắc áp dụng và thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ; trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ. Cụ thểBộ Công thương quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ” và “Bộ Tài chính quy định việc kê khai, thu, nộp, hoàn trả thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ.

Như vậy, chính sách thuế góp phần chủ động tích cực trong việc khuyến khích hay kiềm chế đối với các hoạt động kinh tế, xã hội của tất cả các ngành, lĩnh vực, lãnh thổ, tổ chức và cá nhân theo những mục tiêu định hướng và hoạch định của nhà nước, do vậy chính phủ Việt Nam đã không ngừng cải thiện chính sách thuế quan trong nước phù hợp với tình hình phát triển của đất nước cũng như để đối phó với các diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *